Nam Định: Đổi mới Hội thi Hùng biện tiếng Anh cấp Tỉnh năm học 2021-2022
Hình 1: Hội thi tổ chức trực tuyến và phát trực tiếp qua kênh YouTube của Sở
Hội thi đã để lại ấn tượng lớn cho cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh tỉnh Nam Định với hình thức thức thi trực tuyến qua phần mềm Zoom với 03 phòng thi tương ứng với 03 cấp học (Tiểu học, THCS và THPT) diễn ra đồng thời, Vòng chung kết được phát trực tiếp qua kênh YouTube của Sở. Các giám khảo nước ngoài rất ấn tượng và ngưỡng mộ, khâm phục khả năng giao tiếp tiếng Anh của các em học sinh, các em rất tự tin, bản lĩnh, không chỉ có năng lực nghe nói tiếng Anh tốt mà các em còn có kiến thức hiểu biết xã hội rộng, có kỹ năng ứng xử, giao tiếp và làm chủ những phần hùng biện và trả lời tốt các câu hỏi của Ban Giám khảo.
Hệ thống vận hành cuộc thi được chuẩn bị chu đáo từ phần mềm trực tuyến cho đến việc phát trực tiếp công khai trên kênh YouTube, chuyển tiếp sang mạng xã hội Facebook để cho toàn thể cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh có thể theo dõi, cổ vũ tinh thần cho các em học sinh. Trong suốt thời gian diễn ra Hội thi không có sự cố lớn nào về kỹ thuật, đường truyền nên chất lượng các phần thi của thí sinh được đảm bảo.
Hình 2: Ban Giám khảo Hội thi
Sở GDĐT đã mời 15 lượt giám khảo nước ngoài là giáo viên và tình nguyện viên ở các nước Anh, Ai-len, Mỹ, Đức, Slovakia và Ukraina chấm 02 vòng thi; các giám khảo ngồi tại nước ngoài chấm nên kết quả Hội thi hết sức khách quan, công bằng. Tại Hội thi lần này, các thí sinh đã gây “ấn tượng” với Ban Giám khảo bởi khả năng nghe, nói tiếng Anh của học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học. Theo đánh giá của Ban giám khảo, khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của học sinh trong tỉnh rất tiến bộ, thể hiện ở việc các em có năng lực nghe, hiểu, trả lời câu hỏi nhanh, nhạy, có nhiều kiến thức, thông tin để trả lời, nhất là các kiến thức về kỹ năng sống, gia đình, xã hội, sức khỏe, môi trường... Nhiều học sinh sử dụng được từ vựng và cấu trúc ở mức cao, khối tiểu học sử dụng ngôn ngữ bậc 1, nhưng nhiều em đã sử dụng được từ vựng và cấu trúc ở bậc 2, bậc 3, thậm chí bậc 4, bậc 5. Một số học sinh khối THCS, THPT sử dụng ngôn ngữ và cấu trúc ở bậc 5, bậc 6 của năng lực ngôn ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc châu Âu... Tuy nhiên, hiện tượng “học vẹt” vẫn còn tồn tại ở một số học sinh, một số trường; một số học sinh còn “áp lực” trong quá trình trả lời (run, thiếu tự tin); học sinh khối THCS, THPT chưa chú trọng tới trang phục; ...
Tham dự vòng sơ khảo có 434 thí sinh, trong đó có 145 thí sinh cấp tiểu học, 145 thí sinh cấp trung học cơ sở và 144 thí sinh cấp trung học phổ thông thuộc 10 phòng GDĐT và 47 trường THPT. Kết thúc vòng sơ khảo, Ban Tổ chức đã chọn 96/145 HS tiểu học, THCS 87/145 HS THCS và 71/144 HS THPT vào vòng chung kết. Căn cứ kết quả vòng chung kết, Giám đốc Sở GDĐT đã quyết định tặng giấy khen và phần thưởng cho 28 HS đạt giải Nhất (Tiểu học 13, THCS 8, THPT 7), 75 HS đạt giải Nhì (Tiểu học 32, THCS 23, THPT 20), 93 HS đạt giải Ba (Tiểu học 38, THCS 31, THPT 24) và 55 HS đạt giải Khuyến khích (Tiểu học 13, THCS 24, THPT 18).
Một số em học sinh có thành tích cao tại các vòng thi:
Vòng Sơ khảo:
Khối TH: Trịnh Hoàng Tùng – Tiểu học Giao Thiện, Giao Thủy (19,67/20 điểm, 02/03 giám khảo cho tối đa 20/20 điểm); Lưu Ngọc Khánh Chi - TH Nam Hồng, Nam Trực (19,50/20 điểm); Nguyễn Đinh Anh Minh - TH Nam Mỹ, Nam Trực (19,17 điểm).
Khối THCS: Vũ Ngọc Thủy Tiên (20/20 điểm, cả 03 giám khảo cho điểm tối đa); Phạm Quế Anh (19,50/20 điểm), Phạm Thu Nguyên (19,17/20 điểm) - THCS Trần Đăng ninh, TP. Nam Định.
Khối THPT: Vũ Hương Giang và Đỗ Như Quỳnh - THPT chuyên Lê Hồng Phong (18,83/20 điểm); Trịnh Tuấn Anh - THPT Trần Hưng Đạo (18,67/20 điểm).
Vòng chung kết:
Em Trịnh Hoàng Tùng học sinh lớp 3 Tiểu học Giao Thiện, giải Nhất, xếp thứ Nhất tỉnh cấp Tiểu học với số điểm trung bình là 19,33;
Em Vũ Ngọc Thủy Tiên học sinh lớp 9 THCS Trần Đăng Ninh, giải Nhất, xếp thứ Nhất tỉnh cấp THCS với số điểm trung bình là 19,08;
Em Đoàn Văn Vinh học sinh lớp 11 THPT Lý Tự Trọng, giải Nhất, xếp thứ Nhất tỉnh cấp THPT với số điểm trung bình là 19,17;
Một số đơn vị có thành tích cao tại Hội thi là PGD thành phố Nam Định, PGD Trực Ninh, PGD Giao Thủy, PGD Ý Yên, PGD Nam Trực, ... ; trường THPT: Nguyễn Khuyến, A Hải Hậu, Lý Tự Trọng, Trần Hưng Đạo, Xuân Trường B, C Hải Hậu, Giao Thủy, Lê Quý Đôn, Mỹ Lộc, Nam Trực ...
Qua Hội thi nhận thấy chất lượng dạy và học Ngoại ngữ nhất là tiếng Anh của tỉnh Nam Định ngày càng được nâng lên nhất là những đơn vị triển khai thực hiện đề án 1965, 1792 của UBND tỉnh (đưa giáo viên nước ngoài dạy trong nhà trường), khả năng giao tiếp của học sinh tốt hơn, các em tự tin, phong cách đĩnh đạc, vốn từ phong phú, phản ứng nhanh với những câu hỏi từ Ban Giám khảo bản ngữ.
Hình 3: Ban Giám khảo Hội ý đánh giá chất lượng bài thi của Học sinh
Hội thi cũng cho thấy phong trào dạy và học tiếng Anh ở tỉnh đang rất phát triển, không chỉ tập trung ở thành phố, thị trấn mà còn lan rộng ra các khu vực nông thôn trong tỉnh. Tuy nhiên, các nhà trường cần đa dạng hơn các hình thức tổ chức, phương pháp dạy và học, đồng thời đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất học sinh, tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm rèn luyện tốt các kỹ năng, nhất là kỹ năng nghe, nói cho các em, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ cho học sinh ở tất cả các cấp học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế./.
Phòng Giáo dục Trung học
Bình luận